25 thg 2, 2011

Những hiểu biết về phá thai

Phá thai là gì? Là việc tách và lấy các thành phần của bào thai khỏi tử cung của người phụ nữ có thai nhờ tự nhiên, dùng thuốc hay can thiệp ngoại khoa.
Phá thai không an toàn: là một thủ thuật đình chỉ thai nghén ngoài ý muốn được thực hiện hoặc bởi người không đủ kỹ năng cần thiết hoặc trong môi trường không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu hoặc cả hai (TCYTTG 1995- Tai biến nạo phá thai: Hướng dẫn kỹ thuật và quản lý cách phòng chống và điều trị).
Mỗi năm có khoảng 210 triệu ca thai nghén và khoảng 46 triệu (22%) ca kết thúc bằng phá thai và tính bình quân trên toàn thế giới trong cuộc đời mỗi người phụ nữ đến tuổi 45 đã có ít nhất một lần phá thai (Alan Guttmacher Institute 1999). Gần 20 triệu ca trong số này là phá thai không an toàn.
Khoảng 13% tử vong liên quan đến thai nghén là do phá thai không an toàn và con số tử vong khoảng 67000 ca mỗi năm.
Tại các nước đang phát triển nguy cơ tử vong do phá thai không an toàn cao gấp hàng trăm lần so với phá thai an toàn. Biến chứng lâu dài của phá thai không an toàn là vô sinh và chửa ngoài tử cung.
Vì không có biện pháp tránh thai nào đạt hiệu quả 100% nên việc có thai ngoài ý muốn là không tránh khỏi và người phụ nữ vẫn cần dịch vụ phá thai.
Hầu hết các nước luật pháp cho phép phá thai để cứu tính mạng người phụ nữ và đa số các nước cho phép phá thai vì sức khoẻ thể chất và tâm thần của người phụ nữ.
Ở những nơi áp dụng rộng rãi và có hiệu quả các biện pháp tránh thai thì tỷ lệ phá thai giảm đáng kể (Bonggaarts và Westoff 2000) nhưng không có nơi nào tỷ lệ phá thai bằng 0% vì một số lí do: trước tiên là có hàng triệu cặp vợ chồng hoặc không tiếp cận với các biện pháp tránh thai có hiệu quả hoặc không có đầy đủ các thông tin để sử dụng chúng một cách hiệu quả.Thứ hai đó là không có biện pháp tránh thai nào đạt hiệu quả 100%. Thứ ba là tỷ lệ bạo hành đối với người phụ nữ trong gia đình và xã hội dẫn đến thai ngoài ý muốn ngàycàng gia tăng. Thứ  tư là do sự thay đổi hoàn cảnh sống như li dị hoặc các cuộc khủng hoảng tinh thần làm cho việc có thai trở thành thai ngoài ý muốn.
Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về giảm tỷ lệ phát triển dân số. Tuy nhiên, phá thai và những biến chứng gây nên là những vấn đề tồn tại lớn đối với phụ nữ Việt Nam. Mục tiêu chiến lược dân số năm 2010 không chỉ đơn thuần là vấn đề giảm sinh mà còn giảm tỷ lệ phá thai. Tỷ lệ phá thai còn cao, hàng năm số người phá thai tăng theo sự phát triển dân số. Tình trạng phá thai ở phụ nữ chưa có con và chỉ có con gái vẫn còn nhiều.
Theo TCYTTG, hàng năm có 40-60 triệu phụ nữ phá thai. Tử vong do tai biến của phá thai khoảng 100.000-200.000 ca. Tỷ lệ phá thai ngày càng tăng, năm 1990 khoảng 25 triệu ca phá thai, đến năm 1995, số ca phá thai tăng lên 46 triệu, trong đó có 20 triệu ca là phá thai hợp pháp. Trung bình cứ 1000 phụ nữ trong độ tuổi 15-49 có 35 người phá thai. Trong tổng số phụ nữ mang thai có 26% phụ nữ kết thúc thai nghén bằng phá thai.
Tại Việt Nam, phá thai được pháp luật cho phép từ năm 1945 và tuổi thai tối đa để phá thai là hết 22 tuần. Tỷ lệ phá thai năm 1994 là 2,5% giảm xuống còn 1,2% năm 2004. Tai biến do phá thai gồm: chảy máu, thủng tử cung, nhiễm khuẩn, uốn ván… Tuy các tai biến này có giảm nhưng vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho người phụ nữ. Cùng với phá thai thì tỷ lệ vô sinh trong độ tuổi sinh đẻ cũng tăng nhất là vố inh thứ phát. Có nhiều yếu tố tác động đến phá thai: nhiều con, giãn khoảng cách sinh, lý do y tế, thất bại su8wr dụng biện pháp tránh thai, lý do kinh tế, việc làm, giới tính...Mỗi người phụ nữ đến phá thai tại cơ sở y tế đều có lý do riêng, mặc dù họ không muốn thế. Muốn khống chế, giảm tỷ lệ phá thai, ngoài các chính sách can thiệp giảm tỷ lệ phá thai, cần tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến hành vi phá thai của người phụ nữ. Biện pháp giảm tỷ lệ phá thai có hiệu quả là truyền thông tư vấn về việc áp dụng biện pháp tránh thai để mối gia đình chỉ có 1-2 con.
Một số khó khăn mà nhân viên y tế gặp phải trong khi cung cấp dịch vụ phá thai toàn diện:
+ Thiếu nhân lực.
+ Không đủ cơ sở vật chất theo chuẩn.
+ Thiếu dụng cụ hoặc thuốc men.
+ Chưa được tập huấn đầy đủ để đáp ứng một cách hữu hiệu nhu cầu phá thai của người phụ nữ.
+ Vấn đề giao tiếp với khách hàng.
+ Thái độ/lối suy nghĩ không tương đồng với người khác.
Các phương pháp phá thai quý I
- Hút chân không bằng tay hoặc bằng điện áp dụng cho tuổi thai đến 12 tuần kể từ ngày đầu kỳ kinh cuối cùng.
- Phá thai nội khoa (phá thai bằng thuốc) kết hợp mifepristone sau đó dùng prostaglandin như misoprostol hoặc gemeprost áp dụng cho tuổi thai tới 9 tuần kể từ ngày đầu kỳ kinh cuối. Misoprostol là loại prostaglandin được ưa chuộng  vì rẻ và không cần bảo quản lạnh.
- Nong và nạo chỉ nên áp dụng ở nơi mà hút thai chân không không có hoặc không có phá thai bằng thuốc.
Các phương pháp phá thai quý II
- Nong và gắp (D&E) sử dụng kết hợp giữa hút chân không và foóc xép.
- Mifepristone sau đó dùng liều prostaglandin nhắc lại như dùng misoprostone hoặc gemeprost.
- Prostaglandin đơn thuần (misoprostol hoặc gemeprost) nhắc lại nhiều lần.
Điều trị tai biến và biến chứng phá thai
- Khi phá thai được thực hiện bởi người được đào tạo có kỹ năng thì tai biến hiếm xảy ra.Tuy nhiên mọi cơ sở phá thai phải thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu khi có tai biến sảy ra (World Health Organization 1994).
- Tử vong do phá thai hợp pháp chiếm 0.0006% tất cả các trường hợp phá thai( khoảng 1 ca tử vong trên 160.000 ca phá thai). Tử vong thường do nguyên nhân tác dụng phụ của thuốc giảm đau, tắc mạch, nhiễm khuẩn và băng huyết không khống chế được. Tử vong thứ phát do sốc nhiễm độc Clostridium sordellii (death secondary to toxic shock following infection with Clostridium sordellii): tỷ lệ <0.001% các trường hợp.
- Cơ sở vật chất và trang thiết bị điều trị tai biến phá thai cũng tương tự như đối với sẩy thai.
- Các tai biến đặc trưng của phá thai ngoại khoa gồm
+ Ứ máu trong buồng tử cung: cần phải hút buồng tử cung, tỷ lệ dưới 0.2%.
+ Nhiễm khuẩn: đa số dễ chẩn đoán và điều trị nếu người phụ nữ tuân thủ những hướng dẫn của thầy thuốc, tỷ lệ 0.1-2%. Dùng kháng sinh làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn sau thủ (Sawayaet al. 1996).
+ Rách cổ tử cung: cần phải khâu cầm máu, tỷ lệ 0.6-1.2%
+ Thủng tử cung do chọc hoặc rách: tỷ lệ <0.4%. Tai biến này có thể tự liền hoặc phải phẫu thuật khâu lỗ thủng và hiếm khi cắt tử cung. Một nghiên cứu 700 ca phá thai quý I và triệt sản, thấy 12 trong số 14 ca có thủng tử cung nhưng vì lỗ thủng nhỏ nên không phát hiện ra và không được điều trị nội khoa (Kaali et al. 1989). Khi nghi ngờ thủng tử cung phải theo dõi và dùng kháng sinh. Nếu nghi ngờ thủng tạng rỗng, mạch máu hoặc các tổn thương khác phải mở bụng hoặc nội soi xử trí theo nguyên nhân.
+ Còn thai: là sự không kết thúc được thai nghén và cần hút lại buồng tử cung, tỷ lệ < 0.3%.
+ Sót rau thai: là hiện tượng còn sót lại mô rau thai trong buồng tử cung cần phải hút lại buồng tử cung, tỷ lệ 0.3-2%.
+ Băng huyết: do sót rau, chấn thương và thủng tử cung cần phải truyền máu, tỷ lệ 0.02-0.3%.
- Các tai biến đặc trưng của phá thai nội khoa
+ Thất bại của thuốc phá thai: cần phải hút lại buồng tử cung , tỷ lệ <2% các trường hợp.
+ Sẩy thai không hoàn toàn: đòi hỏi phải hút lại buồng tử cung tránh băng huyết và nhiễm trùng, tỷ lệ <6% các trường hợp.
+ Băng huyết: đòi hỏi phải hút lại buồng tử cung và hiễm khi phải truyền máu, tỷ lệ <1% các trường hợp.
+ Nhiễm khuẩn tử cung: cần dùng kháng sinh, tỷ lệ 0.09 - 0.6% các trường hợp.
- Biến chứng liên quan đến phương pháp vô cảm
+ Gây tê an toàn hơn gây mê đối với tất cả các phương pháp phá thai quý I cũng như phương pháp nong gắp của quý II (Osborn et al. 1990, MacKay et al. 1985). Nếu áp dụng gây mê, nhân viên y tế cần được đào tạo để điều trị co giật và cấp cứu tim mạch cũng như cấp cứu hô hấp.
+ Ngoài ra phải có các thuốc đối kháng với tác dụng phụ của thuốc ngủ.
- Biến chứng lâu dài
+ Đa số phụ nữ phá thai an toàn không để lại hậu quả lâu dài đối với toàn thân và sức khoẻ sinh sản. Tuy nhiên có một tỷ lệ nhỏ có biến chứng nặng nề sẽ để lại hậu quả về sau này (World Health Organization 1997). Các dữ liệu dịch tễ học cho thấy, phá thai an toàn quý I không làm tăng nguy cơ ung thư vú (Melbye et al. 1997).
+ Có một tỷ lệ nhỏ những bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện tác dụng phụ trên tâm thần nhưng là do tồn tại tình trạng bệnh từ trước không phải là hậu quả của phá thai an toàn (Dagg 1991).