14 thg 11, 2014

Chửa trứng
Chửa trứng là một phần của nhóm các bệnh nguyên bào nuôi do thai nghén( gestation trophoblastic diseases). Chửa trứng bán phần hay toàn phần là các dạng lành tính. Tuy nhiên cũng có nguy cơ trở thành ác tính. Có 15 - 20% chửa trứng trở thành ác tính.
Chửa trứng là gì ?
Chửa trứng (hydatidiform mole) là hiện tượng tăng sinh quá mức của nhau thai. Bình thường nhau thai có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai trong thời kỳ thai nghén. Trong trường hợp chửa trứng, nhau thai phát triển thành khối trong buồng tử cung không được kiểm soát. Đa số trường hợp không có bào thai, được gọi là "chửa trứng hoàn toàn", một số trường hợp có bào thai nhưng không sống được gọi là "chửa trứng bán phần"
Trong quá trình thụ thai, một tinh trùng thụ tinh với một trứng rỗng. Đây là một trứng không mang theo bất kỳ một nhiễm sắc thể hoặc vật liệu di truyền nào. Trong trường hợp này bình thường trứng sẽ bị tiêu đi và không thể cấy vào tử cung để phát triển được. Tuy nhiên có 1 tỷ lệ hiếm gặp, trứng sẽ không chết. Các tế bào lá nuôi phát triển thành một khối không kiểm soát được và không có sự phát triển của phôi thai. Đây là chửa trứng toàn phần.
Nếu hai tinh trùng thụ tinh với một trứng bình thường ( điều này cũng rất hiếm khi xảy ra); có nghĩa là có quá nhiều hiện vật liệu di truyền trong một trứng. Sự phát triển của các tế bào nuôi vượt qua sự phát triển của các mô bào thai và thai nhi không thể phát triển bình thường. Từ đây tạo nên chửa trứng bán phần.
Chửa trứng toàn phần hay chửa trứng bán phần thì đều không thể sinh ra em bé sống được. Một phụ nữ có thai mà có chẩn đoán là chửa trứng thì được gọi là thai trứng ( molar pregnancy).
Chửa trứng là một phần của nhóm các bệnh nguyên bào nuôi ( gestation trophoblastic diseases). Chửa trứng bán phần hay toàn phần là các dạng lành tính. Tuy nhiên cũng có nguy cơ trở thành ác tính. Có 15 - 20% chửa trứng trở thành ác tính. Điều này sẽ được mô tả dưới đây.

Chửa trứng có phổ biến không ?

Tỷ lệ thai trứng thay đổi theo chủng tộc, vùng địa lý khác nhau. Tỷ lệ thai trứng ở Mỹ khoảng 1/1500 – 1/2000 phụ nữ có thai, thai trứng bán phần chiếm khoảng 10%, tỷ lệ tiến triển thành thai trứng xâm nhập sau thai trứng toàn phần khoảng 10 – 15 %, tỷ lệ tiến triển thành ung thư nguyên bào nuôi khoảng 1/40 sau thai trứng, 1/150000 sau đẻ. Ở châu Âu tỷ lệ thai trứng 1/1000 phụ nữ mang thai, thai trứng xâm nhập 1/12000, ung thư nguyên bào nuôi là 1/40000. Tại Trung Quốc tỷ lệ thai trứng 0,78 -0,81/1000 phụ nữ có thai, tỷ lệ này đặc biệt cao ở phía nam Trung Quốc. Tại Nhật Bản tỷ lệ thai trứng 3,05/1000 phụ nữ có thai.

          Khoảng trên 80% các trường hợp sau hút thai trứng sẽ trở về bình thường, trong khoảng 20% còn lại nguyên bào nuôi tiếp tục phát triển xâm lấn cơ tử cung (thai trứng xâm lấn: invasion mole), hoặc kèm theo di căn các cơ quan khác (ung thư nguyên bào nuôi: choriocarcinoma).

Biểu hiện của chửa trứng ?

         Người phụ nữ bị chửa trứng thường có nồng độ hCG (human chorionic gonadotrophin) trong máu cao hơn mức trung bình so với một phụ nữ có thai bình thường. Hormone này được sản xuất bởi các tế bào nuôi. Nồng độ hCG máu cao bởi vì có một số lượng lớn các tế bào nuôi tiết ra. Nồng độ hCG cao tạo nên một số các triệu chứng dưới đây:
Triệu chứng mang thai. Bạn có thể có dấu hiệu của thai kỳ như chậm kinh, cảm giác ốm (buồn nôn), nôn, đau vú, vv . Bạn có thể nhận cảm thấy rằng thai lớn hơn dự kiến so với số tuần thai bạn đang mang. Điều này là do thai trứng phát triển nhanh hơn so với một thai kỳ bình thường, do các mô nguyên bào nuôi phát triển một cách bất thường.
Chảy máu. Bạn có thể bị chảy máu âm đạo sớm trong thai kỳ. Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Nhiều phụ nữ nghi ngờ rằng họ bị doạ sẩy thai.
Không có triệu chứng. Một số phụ nữ bị chửa trứng nhưng không có triệu chứng. Thai trứng được chẩn đoán nếu người phụ nữ này có thói quen đi siêu âm kiểm tra.
Triệu chứng hiếm. Rất hiếm khi, bạn có thể bị huyết áp cao, nôn nghén nặng hoặc triệu chứng của cường tuyến giáp như: mạch nhanh, chân tay run rẩy…

Chửa trứng được chẩn đoán như thế nào ?

Nếu bạn có triệu chứng chảy máu đầu thai kỳ thì nên đến gặp bác sĩ để được siêu âm chẩn đoán. Đôi khi, hình ảnh trên siêu âm có thể khá đặc trưng. Tuy nhiên, vào những thời điểm khác hình ảnh siêu âm có thể chỉ trông giống như thai đang sẩy. Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn có thai trứng,thì họ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ của βhCG. Mức độ cao hơn bình thường có thể giúp chẩn đoán.
Nếu bạn có một hình ảnh siêu âm trông giống như một thai đang sảy và xét nghiệm có nồng độ βhCG cao hơn bình thường thì chẩn đoán xác định chửa trứng được thực hiện khi thai được lấy ra và kiểm tra tế bào rau thai dưới kính hiển vi.
Nếu bạn không có chảy máu hoặc các triệu chứng khác, việc chẩn đoán chửa trứng thường nhờ vào bạn có một thói quen đi siêu âm thai. Và thai trứng có hình ảnh khá đặc trưng trên siêu âm.

Chửa trứng được điều trị như thế nào ?
Nạo hút thai trứng càng sớm khi thai còn nhỏ càng tốt nhằm hạn chế các biến chứng. Đấy chính là phương châm điều trị bệnh này. Bởi thứ nhất nếu để càng lâu thai trứng càng to ra thì nguy cơ biến chứng thành ác tính càng cao, một số trường hợp khi phát hiện thai trứng muộn thì đã có dấu hiệu di căn; thứ 2 nếu thai trướng to sẽ có nguy cơ băng huyết nguy hiểm đến tính mạng nếu sảy trứng hoặc khi nạo hút trứng. Bệnh nhân nên được thực hiện thủ thuật tại các cơ sở y tế có các phương tiện hồi sức tốt. Sau khi hút hết thai trứng bác sĩ sẽ gửi tổ chức tế bào này để kiểm tra trên kính hiển vi.
Bác sĩ cũng sẽ khuyến cáo và đề nghị bệnh nhân nên cắt tử cung nếu như chị ấy đã đủ con không còn nhu cầu sinh đẻ hoặc đã trên 35 tuổi, bởi 2 đối tượng này có nguy cơ cao có thể bị biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi nếu chỉ nạo hút trứng đơn thuần.
Cần theo dõi những gì sau điều trị một thai trứng?

Như đã đề cập ở trên, có một nguy cơ nhỏ mà bệnh nhân có thể bị là phát triển thành ung thư nguyên bào nuôi - sau khi loại bỏ thai trứng. nguy cơ tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như phổi, gan hoặc não. Vì vậy, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ sau điều trị một thai trứng để giám sát cho việc này.
Khi lần đầu tiên bệnh nhân được chẩn đoán thai trứng, nồng độ βhCG của họ sẽ ở mức cao. Nhưng khi thai trứng đã được loại bỏ thì nồng độ βhCG thường sẽ trở lại bình thường như khi không mang thai. Nếu bệnh nhân bị biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi, nồng độ hCG có thể vẫn còn cao hoặc tiếp tục tăng cao hơn nữa. Vì vậy, xét nghiệm máu này là một cách tốt để kiểm tra khả năng biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi của chửa trứng. Lịch trình xét nghiệm theo dõi nồng độ βhCG của bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn. Thường thì sau loại bỏ thai trứng bệnh nhân sẽ được xét nghiệm lại βhCG 1 tuần 1 lần cho đến khi βhCG trở về âm tính. sau đấy sẽ xét nghiệm 2 tuần/lần trong 3 tháng đầu, 4 tuần/lần trong 6 tháng tiếp theo, 8 tuần/lần trong 12 tháng của năm thứ 2. Như vậy bệnh nhân phải được theo dõi trong 2 năm.

Khi nào thì cho là có biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi và điều trị như thế nào ?

Sau nạo hút thai trứng, được chẩn đoán là ung thư nguyên bào nuôi khi : Trong hai tuần nồng độ βhCG ở tuần sau cao hơn tuần trước hoặc trong ba tuần liên tiếp nồng độ b hCG không giảm hoặc sau bốn tuần sau nạo βhCG > 20.000 IU/L hoặc sau hai tháng sau nạo βhCG > 500 IU/L hoắc sau sáu tháng sau nạo βhCG > 5IU/L. Ngoài ra ung thư nguyên bào nuôi cũng được chẩn đoán sau khi đưa bệnh phẩm đi soi thấy tế bào ung thư trên kính hiển vi, hay thấy hình ảnh chửa trứng xâm nhập trên những trường hợp có cắt tử cung.
Khoảng 1 trong 200 phụ nữ chửa trứng bán phần và 15 trong 100 phụ nữ chửa trứng toàn phần sẽ cần được điều trị bởi vì nồng độ βhCG không trở lại bình thường. Việc điều trị như thế nào phụ thuộc vào nồng độ βhCG của bạn, cho dù đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể hay không. Hoá trị liệu là phương pháp đầu tay cho điều trị ung thư nguyên bào nuôi. Các hoá chất hay được sử dụng như methotrexate, etoposide và dactinomycin. Điều trị được tiếp tục cho đến khi mức βhCG của bạn đã trở lại bình thường, và cho một vài tuần sau đó. Ung thư nguyên bào nuôi đáp ứng điều trị rất tốt với hoá chất. Vậy nên điều trị thường rất có hiệu quả trong hầu hết trường hợp. Nếu có một 100 người điều trị thì ít nhất có 98 người khỏi hoàn toàn.
Khi nào thì có thể mang thai trở lại sau điều trị khỏi thai trứng ?

Sau hai năm theo dõi mà nồng độ βhCG mà không thấy tăng nữa thì bạn hoàn toàn có thể có thai lại. Bạn vẫn có nguy cơ bị thai trứng ở những lần có thai tiếp theo. Tuy nhiên theo thống kê thì nếu 100 người có thai lại thì có dưới hai người có thể bị khởi động lại bệnh nguyên bào nuôi. Vì lý do này, nồng độ hCG của bạn cần được theo dõi trong thời kỳ đầu bất kỳ lần mang thai nào tiếp theo (có thể là một thai kỳ bình thường, sẩy thai, một chấm dứt thai, vv).







CÁC BỆNH TUYẾN VÚ LÀNH TÍNH
Ths Nguyễn Bá Thiết-BVPSTW
Ts Vũ Văn Du- BVPSTW
Bất kỳ khối u nào trong vú cũng gây ra sự lo lắng cho người phụ nữ, nhưng không có nghĩa là tất cả các khối u là ung thư. Các biến đổi lành tính của tuyến vú là rất phổ biến. Ngực của phụ nữ thay đổi liên tục, kể từ thời điểm phát triển của họ, thông qua việc mang thai và mãn kinh. Nhiều thay đổi lành tính của vú có thể cần phải điều trị hoặc không cần điều trị. Tuy nhiên cũng không nên quá chủ quan khi thấy bất kỳ một thay đổi khác nào trên vú mà không có sự tư vấn hay thăm khám của các chuyên gia về sản phụ khoa.
Bệnh vú lành tính là tất cả các bệnh lý của vú, ngoại trừ ung thư vú. Bệnh lý này thường phát sinh từ các thành phần cấu tạo nên vú: biểu mô ống dẫn sữa, hoặc ở mô liên kết và mô mỡ. Có thể phân loại các bệnh lý lành tính tuyến vú làm 4 nhóm cho dễ nhớ: Nhóm bệnh bẩm sinh hay phát triển bất thường của tuyến vú: tật thiếu núm vú, phì đại tuyến vú... Nhóm bệnh do nguyên nhân chấn thương và viêm nhiễm : Áp xe vú, lao tuyến vú, hoại tử mỡ .... Nhóm bệnh liên quan đến các ống tuyến sữa: Xơ nang tuyến vú, nang vú, u nhú trong ống dẫn sữa, giãn ống tuyến sữa... Nhóm bệnh liên quan đến tổ chức liên kết của tuyến vú: u xơ tuyến, u mỡ, u bạch huyết…Trong bài viết này chúng tôi xin nêu ra một số bệnh tuyến vú lành tính thường gặp.
1.     Xơ nang tuyến vú
Đây là dạng bệnh lý phụ thuộc hormone, hay gặp ở giữa lứa tuổi 30-50. Các triệu chứng mất đi sau mãn kinh. Nguyên nhân là do mất cân bằng nội tiết giữa estrogen và progesteron trong một thời gian dài, tổ chức vú trải qua nhiều thay đổi hình thái khác nhau. Vào thời điểm tăng tiết estrogen, các tế bào biểu mô tăng sinh trong các ống (tăng sinh ống) và các phân thuỳ (tăng sinh tuyến). Với mức estrogen giảm, biểu mô cuộn xoắn, các ống trở thành nang, các phân thuỳ và vùng đệm tăng tổ chức xơ (tăng biểu mô tuyến xơ cứng và xơ cứng vùng đệm)
 Trên lâm sàng bệnh nhân thường đau vú theo chu kỳ: xuất hiện khoảng 8 ngày trước khi hành kinh, biến mất sau hành kinh, đau tự nhiên, lan ra hai tay. Khi sờ nó có thể là các u nang đặc trưng: Khối u tròn, giới hạn rõ, hơi cứng, thường đau, kích thước và số lượng thay đổi; Hay là các mảng cứng: thường thấy những mảng cứng trên vú giới hạn không rõ, mất đi sau hành kinh.
          Đây là bệnh lý hình thành từ việc tăng sinh các tuyến và ống tuyến vú ( kết hợp với xơ hoá mô đệm) nên có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Vậy khi đã nghĩ đến xơ nang tuyến vú thì nên có những thăm dò như: chụp vú, chọc dịch nang, chọc hút tế bào để có những sàng lọc ung thư sớm.
Có thể bắt đầu điều trị bằng thuốc nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu và mong muốn được điều trị. Các hay dùng: thuốc ức chế prolactin như bromocriptine 2,5 mg, thuốc ức chế estrogen như danazol 100mg đến 200mg/ ngày. Phẫu thuật cắt khối u được đặt ra khi: chọc dò ra lẫn máu, sinh thiết thấy loạn sản hoặc có tế bào nghi nghờ.
2.    U xơ tuyến
Khối u phát triển từ mô liên kết giữa các tiểu thuỳ. Thường xảy ra trước tuổi 35. Khối u có đặc điểm: Chắc, xơ, đều, tròn hoặc hình trứng, di động dưới da, không đau, không liên quan với chu kỳ kinh. Kích thước thay đổi khoảng 2- 3cm, thường chỉ có một u, đôi khi có nhiều u và xuất hiện kế tiếp theo thời gian. Đây là loại u dễ chẩn đoán trong các u lành tính tuyến vú, bệnh nhân cũng có thể nhận biết đặc điểm khối khối u một cách dễ dàng, còn bác sĩ có thể chẩn đoán ngay khi khám lâm sàng. Siêu âm và chụp vú ít có giá trị chẩn đoán với trường hợp này. Tuy nhiên cũng nên chọc lấy tế bào bằng kim sinh thiết nhỏ giúp khẳng định chẩn đoán và loại trừ ung thư. U xơ tuyến không tạo nên yếu tố nguy cơ gây ung thư, thường ổn định và không đáp ứng với điều trị nội tiết. Vậy nên có u xơ trước 35 tuổi chúng ta có thể theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng. Phẫu thuật cắt bỏ khối u để làm giải phẫu bệnh được đặt ra khi khối u to và phát triển nhanh, chọc tế bào nghi ngờ hoặc sau 35 tuổi.
3.      Nang vú
Nang là một hốc chứa đầy chất dịch. Hốc này xuất hiện do một đoạn của ống dẫn sữa nở ra. Phần lớn người bệnh tự phát hiện thấy khi nằm sấp đè lên ngực hay chà xát trong lúc tắm, vì những lúc đó nang vú căng lên. Nhưng có khi các nang này lại không đau và cũng không thể sờ thấy được.
Số lượng nang này nhiều hay ít tùy người, kích thước lớn nhỏ không đều, đường kính từ vài mm đến vài cm, hoặc to hơn, to đến một mức nào đó hoặc nằm sát dưới da thì mới sờ thấy. Các nang này thường hay gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi,  hiếm gặp ở phụ nữ dưới 30 tuổi, nhưng sau khi mãn kinh nang sẽ sẹp đi . Khi nghi là nang vú, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Hiện nay, siêu âm giúp cho bác sĩ chẩn đoán bệnh nang vú chính xác. Bác sĩ sẽ dùng kim chọc rút dịch trong nang. Khi rút dịch, nang sẽ xẹp đi và hiếm khi tái phát lại.
 Chọc hút dịch nang có màu vàng chanh hoặc nâu. Nếu dịch hút ra là máu thì phải sinh thiết sau hút dịch để loại trừ ung thư, sau chọc hút nếu nang tái phát thì phải hút lại và điều trị phẫu thuật bóc nang.
4.     U nhú trong ống dẫn sữa
Đây là một trong những nguyên nhân gây tiết dịch núm vú ngoài thời kỳ cho con bú. Do sự tăng sinh biểu mô trung tâm trên trục liên kết tuyến và phát triển tạo nên các u nhú  trong lòng ống dẫn sữa. Triệu chứng thường gặp trong thể bệnh này là tiết dịch hoặc máu tự nhiên một hoặc hai bên vú, ép xung quanh quầng vú có thể thấy dịch chảy ra từ núm vú. U nhú trong ống dẫn sữa thường  lành tính. Tuy nhiên cũng cần có những thăm dò như chụp X quang nhằm loại trừ ung thư vú, chụp ống dẫn sữa để chẩn đoán: sau khi tiêm chất cản quang vào ống dẫn sữa, sẽ thấy ống dẫn sữa bị tắc và u nhú trong ống dẫn sữa. Khi được chẩn đoán là u nhú trong ống sữa giãn thì phẫu thuật cắt khối u làm giải phậu bệnh là phương pháp điều trị chủ yếu. Người ta có thể đánh dấu khối u trước mổ bằng cách tiêm xanh methylen.
Ngoài ra còn có những bệnh lành tính khác có thể gây tiết dịch núm vú như: Giãn hoặc xơ nang ống tuyến, tăng tiết sữa kết hợp với vô kinh, vô sinh, Papilloma ống tuyến. .Bệnh nhân khi thấy chảy dịch hay máu qua núm vú thường lo sợ rằng mình có thể bị ung thư, tuy nhiên phần lớn trường hợp ở tuổi dưới 30 là có nguyên nhân lành tính. Trong các trường hợp này, nên cho tìm tế bào lạ từ chất dịch và làm siêu âm vú. Thấy có gì khả nghi thì mổ lấy ống sữa. Nên nhớ khả năng bị ung thư rất hiếm gặp. Và nếu có ung thư thì trường hợp này cũng dễ điều trị vì u còn nhỏ..
5.     Áp xe vú
Thường gặp ở các bà mẹ trẻ sinh con và cho con bú lần đầu. Dấu hiệu lâm sàng phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn bệnh: giai đoạn viêm, bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, vú tấy đỏ lan tỏa, chắc và đau. Giai đoạn này thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần sau đấy sẽ chuyển sang giai đoạn hình thành khối áp xe chứa mủ. Một điều mà các bác bác sĩ hay làm là điều trị kháng sinh tích cực trong giai đoạn viêm để tránh trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc nặng hơn và đồng thời để khu trú khối áp xe. Trích rạch da và tháo dẫn lưu mủ kết hợp sử dụng kháng sinh là phương pháp điều trị cho ổ áp xe vú. Để phòng tránh áp-xe vú trong thời kỳ cho bú cần giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú trước và sau khi cho con bú. Cho trẻ bú đúng cách, không cho ngậm nhai vú lâu. Tránh làm sây sát, rạn nứt đầu núm vú, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa.
6.     Hoại tử mô mỡ
Hoại tử mỡ của vú là một quá trình viêm vô trùng lành tính của các mô mỡ. Nó có thể xảy ra thứ phát sau chấn thương do tai nạn hoặc phẫu thuật, hoặc nó có thể liên quan với ung thư hay bất kỳ tổn thương mà gây nên mủ hoặc hoại tử thoái hóa khác. Trên lâm sàng, hoại tử mỡ có thể có triệu chứng giống ung thư vú nếu nó xuất hiện như là một khối dày đặc kết hợp với co rút da, bầm máu, ban đỏ, và da dày. X quang vú, kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ không phải luôn phân biệt được hình ảnh của hoại tử chất béo từ một mô ác tính. Ngay cả sự xuất hiện của tổn thương lành tính trên hình ảnh cũng không thể loại trừ được là có bị ác tính hay không. Vậy nên trong tổn thương này cần phải chích lấy khối hoại tử làm giải phẫu bệnh loại trừ ung thư, sau đấy điều trị nội khoa bằng các thuốc kháng estrogen.