26 thg 2, 2011

Khám chữa bệnh


          Với sự tăng cường các nguồn lực, nhất là cơ sở vật chất, nhân lực, vật tư trang-thiết bị y tế…, công tác khám chữa bệnh - một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có sự chuyển biến mạnh cả về lượng và chất trong 40 năm qua.
          Những năm đầu mới thành lập, nhất là trong thời kỳ máy bay Mỹ mở rộng không kích miền Bắc và Thủ đô Hà Nội, Bệnh viện phải sơ tán lực lượng (một bộ phận ở Hà Nội, một bộ phận đi sơ tán về các tỉnh lân cận Hà Tây, Hà Bắc, Hải Hưng) nhưng việc tổ chức cấp cứu, khám chữa bệnh vẫn được duy trì, thực hiện tốt cả ở hai điểm. Thời kỳ này, bình quân mỗi năm, Bệnh viện điều trị nội trú và ngoại trú cho khoảng 18.000-20.000 bệnh nhân. Trong khói lửa của bom đạn, các Giáo sư, bác sĩ, kỹ thuật viên, y tá, hộ lý... của Bệnh viện thực sự là những chiến sỹ trên mặt trận bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Không trường hợp các ca bệnh nặng, cấp cứu đã được các y bác sĩ của Bệnh viện cứu sống cũng có những trường sản phụ chuyển dạ sinh con "mẹ tròn con vuông" ngay dưới những căn hầm trú ẩn đào trong khuôn viên của Bệnh viện, bên trên là tiếng bom nổ, tiếng gầm rú của máy bay phản lực Mỹ. Những tiếng khóc của trẻ sơ sinh mới chào đời trong sự chở che, nâng niu của các cán bộ y tế là hình ảnh thật đẹp, mang đậm tính nhân văn, như một nét son điểm tô cho truyền thống vẻ vang của Bệnh viện.
          Càng tự hào hơn khi trong bối cảnh chiến tranh, khó khăn như vậy, chất lượng điều trị của Bệnh viện vẫn luôn được đảm bảo và có nhiều tiến bộ so với những ngày đầu mới chuyển từ Bệnh viện C (Sản) lên. Ngoài xây dựng được nhiều phác đồ điều trị, Bệnh viện còn thực hiện được một số kỹ thuật mới và phức tạp như mổ lấy thai, phẫu thuật mổ dò bàng quang sinh dục, phương pháp hồi sức sơ sinh...
          Đất nước thống nhất (1975), điều kiện khám và chữa bệnh của Bệnh viện đã được cải thiện tốt hơn. Tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế và sự đầu tư kinh phí ngày một tăng của Nhà nước, Bệnh viện đã tăng cường thêm nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, các loại thuốc đặc hiệu, đắt tiền cũng được bổ sung tốt hơn. Đây là thuận lợi rất lớn để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh số lượng bệnh nhân của Bệnh viện ( cả nội trú và ngoại trú) gia tăng mạnh, năm sau đều cao hơn năm  trước rất nhiều. Điều này được thể hiện rõ qua kết quả khám bệnh và điều trị của Bệnh viện qua các thời kỳ sau:
          * TỔNG SỐ BỆNH NHÂN ĐƯỢC KHÁM BỆNH:
          - Thời kỳ 1966 - 1970: 75.012 bệnh nhân
          - Thời kỳ 1971 - 1975: 133.542 bệnh nhân
          - Thời kỳ 1976 - 1980: 134.421 bệnh nhân         
          - Thời kỳ 1981 - 1985: 116.064 bệnh nhân
          - Thời kỳ 1987 - 1990: 175.857 (37.581 nội trú - 138.276 ngoại trú)
          - Thời kỳ 1991 - 1995: 435.604 (60.935 nội trú - 374.669 ngoại trú)
          - Thời kỳ 1996 - 2000: 486.879 (66.632 nội trú - 420.247 ngoại trú)
          - Thời kỳ 2001 - 2005: 695.682 (131.851 nội trú - 463.381 ngoại trú)
          Kết quả trên cho thấy, so với những năm đầu mới thành lập, tổng số bệnh nhân được khám và điều trị tại Bệnh viện đã tăng mạnh tới vài trăm ngàn người mỗi năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các khoa phòng thuộc khối lâm sàng và cận lâm sàng của Bệnh viện đều phải chịu áp lực rất lớn về quá tải bệnh nhân. So với chỉ tiêu được giao, các hoạt động phẫu thuật luôn vượt từ 185,4% đến 810%.Tình hình đẻ non trong tình trạng quá tải thường xuyên do lượng bệnh nhân và sản phụ tại Bệnh viện quá cao. Những năm gần đây, tổng số ca đẻ của Bệnh viện tăng bình quân mỗi năm từ 150,1% đến 414%. Tỷ lệ này tăng đột biến vào các năm 2000-2003, với số ca đẻ tăng từ 3000-4500 ca mỗi năm (so với chỉ tiêu vượt từ 306% đến 414%).
          Trong bối cảnh quá tải thường xuyên như vậy, việc tổ chức tốt công tác khám và điều trị cho người bệnh có thể nói là thành tích nổi bật của Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Chất lượng điều trị cũng nâng cao có sự tác động rất lớn của việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cả 3 lĩnh vực: sản-phụ khoa, kế hoạch hoá gia đình và sơ sinh. Đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học và nhiều công trình khoa học hiện đại của thế giới đã được ứng dụng thành công trong công tác khám chữa tại Bệnh viện. Một số kỹ thuật mới ngang tầm với trình độ của các nước có nền y học phát triển đã được các Giáo sư, bác sỹ triển khai thành công tại Bệnh viện, trong đó có kỹ thuật mổ nội soi, chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm ba chiều nhằm phát hiện thai bất thường, mổ vi phẫu nối vòi trứng cho những phụ nữ đã thắt vòi trứng; cắt tử cung đương âm đạo; tạo hình âm đạo và đặc biệt là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đã gây được tiếng vang lớn về mặt chuyên môn trong giới y học trong nước và quốc tế, góp phần mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.
          Hàng loạt các kỹ thuật, phương pháp mới khác như sử dụng corticoid trong điều trị dự phòng bệnh màng trong của trẻ non tháng; phát hiện và điều trị phì đại tuyến hung gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh; áp dụng kỹ thuật đẻ không đau trong chuyển dạ; điều trị bảo tồn vòi tử cung trong mổ nội soi chửa ngoài tử cung; điều trị nang buồng trứng qua chọc hút đường âm đạo; xác định các rối loạn nhiễm sắc thể qua chọc ối và nuôi cấy tế bào nước ối cùng nhiều kỹ thuật mới khác trong điều trị đã nâng cao đáng kể chất lượng của Bệnh viện, cứu sống được rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, đặc biệt là trẻ sơ sinh cực non (chỉ cân nặng 1000gr) và trẻ ngạt nặng bệnh lý.
          Công tác khám - điều trị bảo đảm chất lượng đã giảm thiểu đáng kể số ca tử vong. So với chỉ tiêu, tỉ lệ tử vong ở người lớn và trẻ sơ sinh giảm mạnh, nhất là trong năm gần đây (năm 2005, tỷ lệ tử vong ở người lớn chỉ còn 0,01%; tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là 1,67%, giảm tới 4,33% so với chỉ tiêu). Nếu so với năm 1966 (thời điểm mới thành lập Bệnh viện), tỷ lệ tử vong ở người lớn giảm 0,29% và tỷ lệ trẻ sơ sinh giảm mạnh tới 4,13%.
          Chất lượng điều trị được nâng cao còn có sự đóng góp, hỗ trợ đắc lực của khối xét nghiệm (các khoa cận lâm sàng), với những kết quả xét nghiệm luôn đảm bảo tính chính xác, kịp thời phục vụ công tác điều trị người bệnh cũng như công tác nghiên cứu khoa học. Đây là cố gắng lớn của các khoa cận lâm sàng, nhất là trong bối cảnh các khoa này, cũng phải chịu áp lực rất lớn về sự gia tăng bệnh nhân. Chỉ tính riêng từ năm 2000 trở lại đây, Khoa Huyết học đã thực hiện tổng cộng 3.126.785 xét nghiệm huyết học, (so với chỉ tiêu vượt từ 170,2% đến 976%). Số lần xét nghiệm của Khoa Sinh hoá là 2.308.183 (vượt chỉ tiêu từ 174,8% đến 1.439%). Tổng số xét nghiệm của Khoa Vi sinh cũng đạt 591.913 lượt (tăng từ 195,7% đến 1456%).
          Để giúp các khoa lâm sàng có hướng điều trị tốt, những năm gần đây khối xét nghiệm lâm sàng còn tiến hành kiểm tra sàng lọc HIV cho tất cả các bệnh nhân nhập viện; đồng thời tiến hành thử HbsAg cho tất cả các thai phụ đến khám thai.
          Hoạt động có hiệu quả của một số mặt công tác khác (y tá điều dưỡng, kế hoạch-tổng hợp...) cũng là những yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao khám chữa bệnh của Bệnh viện trong suốt thời gian qua.
          Ngoài thực hiện tốt công tác chuyên môn, bảo đảm việc báo cáo hoạt động của Bệnh viện cho Bộ Y tế theo quy định, mặc dù nhân lực còn thiếu nhưng Phòng Kế hoạch-tổng hợp vẫn tăng cường cán bộ xuống tham gia trực tiếp công tác khám điều trị ở một số khoa lâm sàng; tổ chức việc khám bệnh ngoài  giờ; cải tiến thanh toán viện phí, trả giấy ra viện theo quy trình "một cửa", tránh phiền hà cho bệnh nhân và góp phần giảm bớt tình trạng quá tải tại khoa khám bệnh do lượng người đến khám tại Bệnh viện hàng ngày rất đông.
          Công tác y tá điều dưỡng có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này thể hiện rõ qua việc Bệnh viện không ngừng hoàn thiện các quy trình kỹ thuật và tổ chức chăm sóc toàn diện ở các khoa, phòng. Ngoài duy trì thường xuyên việc kiểm tra, đôn đốc công tác vệ sinh phòng bệnh ngoại cảnh (nhất là trong việc phân loại rác thải y tế và chống nhiễm khuẩn), việc tham gia tư vấn, chỉ dẫn cho bệnh nhân cũng được Bệnh viện tổ chức tốt, đáp ứng được nguyện vọng của người bệnh; qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện, phục vụ nhu cầu của người bệnh và người nhà bệnh nhân ngày một tốt hơn.