14 thg 11, 2014

Chửa trứng
Chửa trứng là một phần của nhóm các bệnh nguyên bào nuôi do thai nghén( gestation trophoblastic diseases). Chửa trứng bán phần hay toàn phần là các dạng lành tính. Tuy nhiên cũng có nguy cơ trở thành ác tính. Có 15 - 20% chửa trứng trở thành ác tính.
Chửa trứng là gì ?
Chửa trứng (hydatidiform mole) là hiện tượng tăng sinh quá mức của nhau thai. Bình thường nhau thai có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai trong thời kỳ thai nghén. Trong trường hợp chửa trứng, nhau thai phát triển thành khối trong buồng tử cung không được kiểm soát. Đa số trường hợp không có bào thai, được gọi là "chửa trứng hoàn toàn", một số trường hợp có bào thai nhưng không sống được gọi là "chửa trứng bán phần"
Trong quá trình thụ thai, một tinh trùng thụ tinh với một trứng rỗng. Đây là một trứng không mang theo bất kỳ một nhiễm sắc thể hoặc vật liệu di truyền nào. Trong trường hợp này bình thường trứng sẽ bị tiêu đi và không thể cấy vào tử cung để phát triển được. Tuy nhiên có 1 tỷ lệ hiếm gặp, trứng sẽ không chết. Các tế bào lá nuôi phát triển thành một khối không kiểm soát được và không có sự phát triển của phôi thai. Đây là chửa trứng toàn phần.
Nếu hai tinh trùng thụ tinh với một trứng bình thường ( điều này cũng rất hiếm khi xảy ra); có nghĩa là có quá nhiều hiện vật liệu di truyền trong một trứng. Sự phát triển của các tế bào nuôi vượt qua sự phát triển của các mô bào thai và thai nhi không thể phát triển bình thường. Từ đây tạo nên chửa trứng bán phần.
Chửa trứng toàn phần hay chửa trứng bán phần thì đều không thể sinh ra em bé sống được. Một phụ nữ có thai mà có chẩn đoán là chửa trứng thì được gọi là thai trứng ( molar pregnancy).
Chửa trứng là một phần của nhóm các bệnh nguyên bào nuôi ( gestation trophoblastic diseases). Chửa trứng bán phần hay toàn phần là các dạng lành tính. Tuy nhiên cũng có nguy cơ trở thành ác tính. Có 15 - 20% chửa trứng trở thành ác tính. Điều này sẽ được mô tả dưới đây.

Chửa trứng có phổ biến không ?

Tỷ lệ thai trứng thay đổi theo chủng tộc, vùng địa lý khác nhau. Tỷ lệ thai trứng ở Mỹ khoảng 1/1500 – 1/2000 phụ nữ có thai, thai trứng bán phần chiếm khoảng 10%, tỷ lệ tiến triển thành thai trứng xâm nhập sau thai trứng toàn phần khoảng 10 – 15 %, tỷ lệ tiến triển thành ung thư nguyên bào nuôi khoảng 1/40 sau thai trứng, 1/150000 sau đẻ. Ở châu Âu tỷ lệ thai trứng 1/1000 phụ nữ mang thai, thai trứng xâm nhập 1/12000, ung thư nguyên bào nuôi là 1/40000. Tại Trung Quốc tỷ lệ thai trứng 0,78 -0,81/1000 phụ nữ có thai, tỷ lệ này đặc biệt cao ở phía nam Trung Quốc. Tại Nhật Bản tỷ lệ thai trứng 3,05/1000 phụ nữ có thai.

          Khoảng trên 80% các trường hợp sau hút thai trứng sẽ trở về bình thường, trong khoảng 20% còn lại nguyên bào nuôi tiếp tục phát triển xâm lấn cơ tử cung (thai trứng xâm lấn: invasion mole), hoặc kèm theo di căn các cơ quan khác (ung thư nguyên bào nuôi: choriocarcinoma).

Biểu hiện của chửa trứng ?

         Người phụ nữ bị chửa trứng thường có nồng độ hCG (human chorionic gonadotrophin) trong máu cao hơn mức trung bình so với một phụ nữ có thai bình thường. Hormone này được sản xuất bởi các tế bào nuôi. Nồng độ hCG máu cao bởi vì có một số lượng lớn các tế bào nuôi tiết ra. Nồng độ hCG cao tạo nên một số các triệu chứng dưới đây:
Triệu chứng mang thai. Bạn có thể có dấu hiệu của thai kỳ như chậm kinh, cảm giác ốm (buồn nôn), nôn, đau vú, vv . Bạn có thể nhận cảm thấy rằng thai lớn hơn dự kiến so với số tuần thai bạn đang mang. Điều này là do thai trứng phát triển nhanh hơn so với một thai kỳ bình thường, do các mô nguyên bào nuôi phát triển một cách bất thường.
Chảy máu. Bạn có thể bị chảy máu âm đạo sớm trong thai kỳ. Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Nhiều phụ nữ nghi ngờ rằng họ bị doạ sẩy thai.
Không có triệu chứng. Một số phụ nữ bị chửa trứng nhưng không có triệu chứng. Thai trứng được chẩn đoán nếu người phụ nữ này có thói quen đi siêu âm kiểm tra.
Triệu chứng hiếm. Rất hiếm khi, bạn có thể bị huyết áp cao, nôn nghén nặng hoặc triệu chứng của cường tuyến giáp như: mạch nhanh, chân tay run rẩy…

Chửa trứng được chẩn đoán như thế nào ?

Nếu bạn có triệu chứng chảy máu đầu thai kỳ thì nên đến gặp bác sĩ để được siêu âm chẩn đoán. Đôi khi, hình ảnh trên siêu âm có thể khá đặc trưng. Tuy nhiên, vào những thời điểm khác hình ảnh siêu âm có thể chỉ trông giống như thai đang sẩy. Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn có thai trứng,thì họ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ của βhCG. Mức độ cao hơn bình thường có thể giúp chẩn đoán.
Nếu bạn có một hình ảnh siêu âm trông giống như một thai đang sảy và xét nghiệm có nồng độ βhCG cao hơn bình thường thì chẩn đoán xác định chửa trứng được thực hiện khi thai được lấy ra và kiểm tra tế bào rau thai dưới kính hiển vi.
Nếu bạn không có chảy máu hoặc các triệu chứng khác, việc chẩn đoán chửa trứng thường nhờ vào bạn có một thói quen đi siêu âm thai. Và thai trứng có hình ảnh khá đặc trưng trên siêu âm.

Chửa trứng được điều trị như thế nào ?
Nạo hút thai trứng càng sớm khi thai còn nhỏ càng tốt nhằm hạn chế các biến chứng. Đấy chính là phương châm điều trị bệnh này. Bởi thứ nhất nếu để càng lâu thai trứng càng to ra thì nguy cơ biến chứng thành ác tính càng cao, một số trường hợp khi phát hiện thai trứng muộn thì đã có dấu hiệu di căn; thứ 2 nếu thai trướng to sẽ có nguy cơ băng huyết nguy hiểm đến tính mạng nếu sảy trứng hoặc khi nạo hút trứng. Bệnh nhân nên được thực hiện thủ thuật tại các cơ sở y tế có các phương tiện hồi sức tốt. Sau khi hút hết thai trứng bác sĩ sẽ gửi tổ chức tế bào này để kiểm tra trên kính hiển vi.
Bác sĩ cũng sẽ khuyến cáo và đề nghị bệnh nhân nên cắt tử cung nếu như chị ấy đã đủ con không còn nhu cầu sinh đẻ hoặc đã trên 35 tuổi, bởi 2 đối tượng này có nguy cơ cao có thể bị biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi nếu chỉ nạo hút trứng đơn thuần.
Cần theo dõi những gì sau điều trị một thai trứng?

Như đã đề cập ở trên, có một nguy cơ nhỏ mà bệnh nhân có thể bị là phát triển thành ung thư nguyên bào nuôi - sau khi loại bỏ thai trứng. nguy cơ tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như phổi, gan hoặc não. Vì vậy, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ sau điều trị một thai trứng để giám sát cho việc này.
Khi lần đầu tiên bệnh nhân được chẩn đoán thai trứng, nồng độ βhCG của họ sẽ ở mức cao. Nhưng khi thai trứng đã được loại bỏ thì nồng độ βhCG thường sẽ trở lại bình thường như khi không mang thai. Nếu bệnh nhân bị biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi, nồng độ hCG có thể vẫn còn cao hoặc tiếp tục tăng cao hơn nữa. Vì vậy, xét nghiệm máu này là một cách tốt để kiểm tra khả năng biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi của chửa trứng. Lịch trình xét nghiệm theo dõi nồng độ βhCG của bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn. Thường thì sau loại bỏ thai trứng bệnh nhân sẽ được xét nghiệm lại βhCG 1 tuần 1 lần cho đến khi βhCG trở về âm tính. sau đấy sẽ xét nghiệm 2 tuần/lần trong 3 tháng đầu, 4 tuần/lần trong 6 tháng tiếp theo, 8 tuần/lần trong 12 tháng của năm thứ 2. Như vậy bệnh nhân phải được theo dõi trong 2 năm.

Khi nào thì cho là có biến chứng thành ung thư nguyên bào nuôi và điều trị như thế nào ?

Sau nạo hút thai trứng, được chẩn đoán là ung thư nguyên bào nuôi khi : Trong hai tuần nồng độ βhCG ở tuần sau cao hơn tuần trước hoặc trong ba tuần liên tiếp nồng độ b hCG không giảm hoặc sau bốn tuần sau nạo βhCG > 20.000 IU/L hoặc sau hai tháng sau nạo βhCG > 500 IU/L hoắc sau sáu tháng sau nạo βhCG > 5IU/L. Ngoài ra ung thư nguyên bào nuôi cũng được chẩn đoán sau khi đưa bệnh phẩm đi soi thấy tế bào ung thư trên kính hiển vi, hay thấy hình ảnh chửa trứng xâm nhập trên những trường hợp có cắt tử cung.
Khoảng 1 trong 200 phụ nữ chửa trứng bán phần và 15 trong 100 phụ nữ chửa trứng toàn phần sẽ cần được điều trị bởi vì nồng độ βhCG không trở lại bình thường. Việc điều trị như thế nào phụ thuộc vào nồng độ βhCG của bạn, cho dù đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể hay không. Hoá trị liệu là phương pháp đầu tay cho điều trị ung thư nguyên bào nuôi. Các hoá chất hay được sử dụng như methotrexate, etoposide và dactinomycin. Điều trị được tiếp tục cho đến khi mức βhCG của bạn đã trở lại bình thường, và cho một vài tuần sau đó. Ung thư nguyên bào nuôi đáp ứng điều trị rất tốt với hoá chất. Vậy nên điều trị thường rất có hiệu quả trong hầu hết trường hợp. Nếu có một 100 người điều trị thì ít nhất có 98 người khỏi hoàn toàn.
Khi nào thì có thể mang thai trở lại sau điều trị khỏi thai trứng ?

Sau hai năm theo dõi mà nồng độ βhCG mà không thấy tăng nữa thì bạn hoàn toàn có thể có thai lại. Bạn vẫn có nguy cơ bị thai trứng ở những lần có thai tiếp theo. Tuy nhiên theo thống kê thì nếu 100 người có thai lại thì có dưới hai người có thể bị khởi động lại bệnh nguyên bào nuôi. Vì lý do này, nồng độ hCG của bạn cần được theo dõi trong thời kỳ đầu bất kỳ lần mang thai nào tiếp theo (có thể là một thai kỳ bình thường, sẩy thai, một chấm dứt thai, vv).